Thổ Nhĩ Kỳ Phi_tần

Hậu cung của đế quốc Ottoman gọi là Harām (حَرَام) có nghĩa là "Cấm". Chỉ có Sulṭān, vị chúa tể cai trị đế quốc và con trai của ngài mới được phép đặt chân tới Harām. Sự cấm kỵ khắc nghiệt tới mức nhà chép sử Dursun Bay ghi lại: "Nếu mặt trời là giống đực thì nó cũng bị cấm soi sáng vào hậu cung". Thánh luật của nhà tiên tri Muhammad nghiêm cấm đàn ông Hồi giáo có nhiều hơn bốn người vợ nhưng các ông hoàng với đặc quyền của bậc vương giả là sự ngoại lệ, coi những cung tần mỹ nữ là thước đo giàu sang và quyền lực.

Harām cũng có hệ thống thứ bậc chặt chẽ và mỗi danh vị đều có tên gọi riêng. Quyền lực tối cao nơi cung cấm thuộc về mẹ của Sulṭān gọi là Válıde Sulṭān (والده سلطان), giữ trách nhiệm trông nom, cất đặt việc nội trị với phụ tá là các nội quan cao cấp Kapı Ağa và Kızlar Ağası. Cấp bậc thứ hai dành cho Kadın, bốn người vợ chính thức theo thánh luật của đạo Hồi, trong đó Chính cung Ḫāṣekī Sulṭān (خاصکى سلطان) có danh vị tôn quý đứng trên tất cả các phi tần, Kadın nguyên phối gọi là Baş Kadın. Dưới họ là Gedıklık, những cung tần được nhận sự sủng ái của Sulṭān và những nàng hầu Odalık. Phi tần được đế vương ân sủng với những đặc quyền riêng gọi là Ikbal, nhận bổng lộc, sống trong cung thất riêng và được người hầu kẻ hạ cung phụng. Những giai nhân tuyệt sắc từ khắp cả nước được chọn như cống phẩm dâng lên cho Sulṭān thường ở tuổi 13, độ tuổi bắt đầu trổ nét xuân thì của thiếu nữ, những người có phong tư xuất chúng nhất khi bước vào cung cấm được gọi là Gözde.